"Đang dịch viêm phổi Vũ Hán nên tôi muốn mua thực phẩm trữ vài ngày ăn dần, khỏi phải ra quán. Thịt còn, nhưng rau thì...", chị lắc đầu, chép miệng sau câu nói dở dang và ra về dù lúc đó mới chỉ là quá trưa.
Thấy nhiều khách than thở, nữ thu ngân ở quầy số 06 của siêu thị giải thích: "Buổi sáng siêu thị đầy rau củ, nhưng nhiều người mua quá. Lúc nãy còn có một chị đánh ô tô lớn đến chở rau, thịt về". Theo các nhân viên của siêu thị, từ hôm 1/2, khi Việt Nam công bố dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới (nCoV) gây ra, hiện tượng người dân đến mua thực phẩm với số lượng lớn để tích trữ bắt đầu xảy ra.
Anh Minh Hoàng ở phố Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân cũng chung tình cảnh. Nhà chỉ cách siêu thị vài bước chân, nhưng anh Hoàng không mua được mớ rau hay món thịt hợp ý. "Tôi tính mua ít bánh mì và đồ ăn trong vài ngày tới, nhưng đi qua ba siêu thị, chỗ nào cũng hết rau, hết thịt", anh Hoàng nói rồi rẽ vào chợ cóc mua tạm đồ ăn cho bữa tối ngày 3/2.
Quầy rau, củ ở siêu thị trên phố Trần Đăng Ninh, quận Cầu Giấy lúc 13h ngày 3/2. Ảnh: Phạm Nga. |
Cũng trong chiều dịch thuật qua, chị Nguyễn Kiều Trang, nhân viên khối văn phòng của một trường mầm non ở Cầu Giấy xin về sớm để vào siêu thị gần công ty mua đồ ăn. Khác với thói quen ăn ngày nào mua ngày đó, hôm nay, chị phải huy động chồng đến "khuân" thực phẩm về nhà.
"Giờ TV, báo chí, Facebook rồi cả ở cơ quan, chỗ nào cũng ra rả khuyến cáo tránh chỗ đông người, nên từ mai, nhà tôi sẽ chỉ ăn cơm tự nấu", chị nói. Vợ chồng Trang đẩy về quầy thanh toán thanh toán 30 kg gạo, 2 kg miến, một thùng mỳ tôm, 4 thùng sữa, thịt lợn, thịt bò, thịt gà - mỗi thứ 2 kg, 30 quả trứng gà, rau xanh, đồ hộp như bò hầm, pate...
Nhà năm người lớn, với từng đó thực phẩm, gia đình chị sẽ ăn trong hai tuần. "May có cả chồng nên mới 'gom' được chừng đó. Quay đi quay lại, mỳ tôm cũng hết, bánh gối cũng không còn, các quầy thịt trống trơn", chị kể.
Bọc đôi tay bằng bao tay nilong, đeo khẩu trang cẩn thận, chị Thu Hương, 41 tuổi, ở Hà Đông bước xuống siêu thị dưới chân tòa chung cư mình sống. Nhà có năm thành viên, chị Hương nhanh tay ôm một thùng mỳ tôm, 3 túi bánh bao để ăn sáng, kèm rau tươi, thịt sống, sữa, trái cây. Số thực phẩm này trừ hơn 2 triệu đồng trong tài khoản của chị, dự định sẽ nấu ăn được bốn ngày.
"Trước đây, buổi sáng, buổi trưa vợ chồng tôi toàn đi ăn quán. Có khi ăn xong, tôi còn lượn vài chỗ bán đồ ăn vặt. Bây giờ chạm tay vào cửa văn phòng công ty thôi tôi cũng thấy ái ngại", chị Hương nói. Sợ đến quán ăn đông người, nguy cơ nhiễm bệnh cao, chị quyết định nấu ăn ngày ba bữa. Buổi tối, chị Hương nấu nhiều hơn để mọi người mang đi ăn trưa hôm sau.
Bốn tháng kể từ ngày cô bạn thân chuyển đi phòng trọ mới, hôm 3/2, Trịnh Thị Thương, 28 tuổi, ở phố Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai mới thấy tủ lạnh nhà mình không còn trống rỗng. Vốn không thích bếp núc, ngày bạn chuyển phòng, Thương nhường toàn bộ bếp, bát đũa, xoong nồi, ba bữa đều ăn ở ngoài. Nay sợ tiếp xúc với nhiều người, cô đầu tư hai triệu đồng mua thêm bếp gas, bát đũa về tự nấu ăn.
"Tối hôm trước tôi đến siêu thị thì thấy rau, thịt, mỳ tôm hết veo, nên hôm nay phải xin sếp đi muộn để tranh thủ buổi sáng còn nhiều hàng", cô nói.
Tuy vậy, hiện tượng "vét sạch siêu thị" không phải chỗ nào cũng xảy ra. Tối 3/2, tại một siêu thị lớn trên phố Trần Duy Hưng, anh Lê Hùng, ở phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy vẫn dễ dàng mua đồ ăn tích trữ cho gia đình trong một tuần. "Hôm nay là thứ hai, nên tôi thấy mọi người đều thong thả. Siêu thị vẫn ăm ắp đồ ăn, tôi cần gì có đấy", anh nói.
Tủ lạnh với bánh chưng từ Tết, cá tươi, thịt lợn, gà từ quê gửi ra của chị Thịnh và em gái. Ảnh: Đào Thịnh. |
Thay vì đi chợ hay ra siêu thị, cần đồ ăn, chị Đào Thị Thịnh, 32 tuổi, ở Cự Khê, Thanh Oai lại nhấc máy gọi cho mẹ ở quê. Sau nghỉ Tết, lường trước được tình hình dịch bệnh sẽ căng thẳng, Thịnh mang một bao tải bánh chưng, giò chả, thịt gà, rau xanh ở quê ra phố. Tủ vơi, chị chuyển khoản để nhờ mẹ mua thêm.
"Trước đây, có tích đồ trong tủ, tôi cũng chỉ ăn một bữa tối. Từ Tết ra đến giờ, tôi nấu thêm cơm để mang đến công ty ăn trưa. Bữa sáng thì đã có sẵn bánh chưng, rán lên là ăn được ngay", nữ kế toán công ty nhập khẩu bánh kẹo nói.
Mua thực phẩm ăn trong ngày, dù có dịch hay không, là "chủ trương nhất quán" gia đình anh Lê Nguyên, 28 tuổi, ở phố Trương Định, Hoàng Mai luôn tuân thủ. Hai vợ chồng cùng làm việc trong ngành y, nên trừ khi bận lịch trực, còn lại, mỗi sáng, vợ anh đều dậy từ 5 giờ đi chợ, để được thực phẩm tươi ngon.
"Chúng tôi không có ý định tích trữ, vì để thực phẩm trong tủ lâu không tốt cho sức khỏe. Hơn nữa, đang lúc dịch viêm phổi, ai cũng gom hết đồ ăn, thực phẩm sẽ khan hiếm, sẽ tăng giá, xã hội lại thêm một mối lo", anh nói.
Dịch viêm phổi cấp do nCoV khởi phát tại Vũ Hán từ tháng 12/2019, sau đó lan ra toàn bộ 31 tỉnh thành Trung Quốc. Tới ngày 2/2, 304 người ở Trung Quốc và một người ở Philippines thiệt mạng, hơn 14.500 người nhiễm.
Tổ chức Y tế Thế giới hôm 31/1 tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Hiện ngoài Trung Quốc, 24 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận có bệnh nhân nhiễm nCoV.
Ngày 1/2, Việt Nam công bố dịch.
Phạm Nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét